Thứ Tư, 12 tháng 6, 2013
Quang Lê: 'Tại sao phải từ chối hát đám cưới?'
Trước khi đến sân khấu ca nhạc chuyên nghiệp, giọng ca hải ngoại có 10 năm hát miễn phí. Khi ấy, anh làm nghề bán băng đĩa với mức 60 USD/ngày để nuôi dưỡng đam mê ca hát.
- Quãng thời gian 10 năm xin đi hát không thù lao với anh thế nào?
- Đó như một giấc mộng buồn của tôi. Nhiều đêm nằm ngủ mơ, tôi thấy mình đứng trên sân khấu lớn, lộng lẫy, có ánh đèn muôn màu. Hát xong được khán giả vỗ tay, tôi đang vui thì giật mình, hiện thực ùa về.
Tôi mê hát từ nhỏ. Bất cứ nơi đâu có chương trình ca hát, tôi đều xông vào hậu trường, xin các chú ban nhạc, ban tổ chức để được hát. May mắn là chưa có chỗ nào tôi xin mà bị từ chối. Có những nơi xin hát xong, ban tổ chức còn xin số điện thoại để mời lần sau. Quãng thời gian đó, tôi coi như sự chuẩn bị, luyện tập của mình.
- Vậy là ngay từ nhỏ, anh đã xác định sẽ trở thành ca sĩ?
- Ngay từ nhỏ, tôi đã nhìn thấy trong mình hình ảnh của người ca sĩ. Nếu cho tôi rất nhiều tiền, ngồi chơi không, tôi cũng không chịu. Tôi phải hát thôi, không có con đường nào khác.
- Trước khi đến với Trung tâm Thúy Nga, anh đã được Trung tâm Ca dao nâng đỡ và lúc đó anh cũng đã được "mời chào" rất nhiệt tình?
- Lúc tôi chưa nổi tiếng, bác Tô Văn Lai, Giám đốc Trung tâm Thúy Nga khi đó đã nghe tôi hát một bài và gọi điện, đến nhà tôi mời tôi về trung tâm đầu quân. Bác đã nói với tôi một câu: "Trong cuộc đời bác, bác chỉ đến nhà 2 ca sĩ. Trước đây là Như Quỳnh và bây giờ là con".
Gia đình rất ủng hộ tôi về Thúy Nga. Mẹ nói: "Một ngày dựa mạn thuyền rồng còn hơn suốt kiếp ở trong thuyền chài". Tôi đã suy nghĩ rất nhiều vì tôi ơn Ca dao đã giúp đỡ tôi từ con số không. Rất may, anh Trung Từ Lưu là người hiểu chuyện, anh cũng động viên tôi tìm cơ hội mới. Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ lời của anh: "Nếu là tương lai của em, anh không cấm cản. Anh chỉ đủ sức đưa em đi bấy nhiêu, chứ không đủ sức đưa tiếng hát em đi khắp nơi trên thế giới như Thúy Nga".
- Anh nghĩ trong lĩnh vực nghệ thuật, luôn có nhiều sự cạnh tranh, chèn ép lẫn nhau giữa các nghệ sĩ?
- Tôi sẵn lòng giúp người khác, không bao giờ sợ mất vị trí của mình trong lòng khán giả. Tôi nghĩ, mình đã được, mãn nguyện, nếu người ta có tài nên cho người ta cơ hội. Hơn nữa, hữu xạ tự nhiên hương. Bao nhiêu người đè ép tôi nhưng tiếng hát của tôi vẫn trong trái tim khán giả đấy thôi.
Tôi thấy cuộc đời rất công bằng. Ông trời cho mình điều may mắn, mình không nên chèn ép người khác. Nếu khán giả đã không yêu mình, dù mình có làm gì đi nữa khán giả cũng không thích. Âm nhạc là món ăn tinh thần, không thể kéo người ta nếu họ không muốn nghe.
- Nghĩa là khi về nước, anh không bị rơi vào tình trạng cạnh tranh, đố kỵ?
- Khi ở hải ngoại có nhiều người cùng hát dòng nhạc của tôi, nhưng về đây, tôi không thấy ai. Ca sĩ bây giờ thích hát nhạc trẻ, nhạc teen. Nhiều người cho rằng, dòng nhạc tôi đang theo đuổi là dòng nhạc sến nên không nhiều người hát. Tôi không thấy ai cạnh tranh với mình. Tôi thấy hơi cô đơn vì không thấy ai hát nhạc giống mình cả.
- Anh không sợ ai cạnh tranh nên sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp, chia sẻ bí quyết nghề với họ?
- Khi mình tạo dựng được tên tuổi và có chỗ đứng trong âm nhạc thì đương nhiên sẵn lòng giúp đỡ đồng nghiệp. Cuộc đời, cái gì của mình sẽ là của mình, không ai có thể lấy đi. Bây giờ tôi có giúp ai nổi tiếng thì tôi vẫn là tôi.
- Về quê hương hát, được khán giả ủng hộ nhiệt tình, anh hài lòng chứ?
- Thời gian về quê hương là bước ngoặt trong cuộc đời ca hát của tôi. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được hát cho đồng bào mình nghe, cho những người cùng dòng máu, cùng nói tiếng Việt. Tất cả tình cảm tôi nhận được đều mặn mà và ngọt ngào lắm. Đó là điều may mắn mà ơn trên đã ban cho tôi.
- Còn điều gì anh khát khao mà chưa làm được?
- Tôi được như bây giờ là tôi mừng lắm rồi, nhưng làm nghề ai cũng có tham vọng. Nếu ai nói không thì tự dối lòng mình. Tham vọng lớn nhất của tôi là được hát mãi mãi. Tôi muốn tiếng hát của mình có ý nghĩa với đời, xã hội giống như khi tôi hát quyên góp được 60 triệu đồng cho nhạc sĩ Vinh Sử chữa bệnh, tôi cảm thấy tiếng hát của mình hữu ích. Tôi vui lắm.
- Xướng ca bây giờ quả là “vô tiền”, xướng ca rất sướng không như quan điểm ngày xưa?
- Nếu là "xướng ca vô loài", thì bây giờ không ba mẹ nào phải bỏ tiền để lăng xê cho con trở thành ca sĩ? Nếu như Quang Lê được nhiều người yêu mến, thì gia đình cũng thấy hãnh diện. Bà con xa gần cũng quý mến và tự hào rằng: đây là cháu tôi.
- Nổi tiếng thuộc hàng sao mà anh vẫn hát đám cưới?
- Tôi không ngại chuyện đó. Người ta yêu mến mới nghĩ đến ca sĩ Quang Lê, tại sao tôi phải từ chối lời mời hát đám cưới? Cát-xê họ cũng tự trả. Tôi không hề đòi giá.
- Nói đến cát-xê, có người nói anh thường đòi giá cao?
- Tôi đi tỉnh cát-xê rất rẻ, không cao đâu. Tôi muốn lấy giá rẻ để phục vụ bà con nghèo. Nếu lấy 70-80 triệu đồng/ đêm, chắc chắn người nghèo không bỏ tiền đi xem mình được. Như thế mình sẽ thương mại hóa chứ không phải là phục vụ khán giả. Một sân khấu rất tồi tàn tôi cũng sẵn lòng đứng lên hát vì nếu không về những vùng xa xôi đó, không bao giờ khán giả thấy được mình. Hoài bão của tôi là đem tiếng hát đi đến khắp mọi miền đất nước.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét