Từng có những thắc mắc kiểu Hà Trần đã cộng tác với nhiều nhạc sĩ như Trần Tiến, Ngọc Đại, Quốc Bảo, Đỗ Bảo, Nguyễn Xinh Xô, Thanh Phương, nhưng... chừa mỗi Quốc Trung. Vì sao công chúng chưa bao giờ thấy hai con người đều say mê cái mới đó tìm đến nhau trong âm nhạc?
Mọi thắc mắc sắp được giãi bày vào ngày 3 và 4-5.
Trong chương trình Cầm tay mùa hè diễn ra hai đêm tại Nhà hát lớn Hà Hội, Hà Trần sẽ gặp lại Thanh Lam (diva từng có sản phẩm chung với Hà Trần) và... “bén duyên” với Quốc Trung. Từ Mỹ, Hà Trần có cuộc trò chuyện với chúng tôi.
Ca sĩ Hà Trần - Ảnh: T.T.D.
* Cầm tay mùa hè là dịp Thanh Lam và Hà Trần bắt tay làm ra cái mới hay lại là kiểu chị em gặp lại, hàn huyên tâm sự về những sự đã rồi - một kiểu làm nhạc phổ biến tại Việt Nam?
- Chương trình này sẽ dành 1/3 thời lượng cho hai ca sĩ cầm tay nhau hát lại đĩa Thanh Lam - Hà Trần. Đối với tôi, đây vẫn là một sản phẩm đã leo vào hàng chuẩn mực. Chín năm trước tôi rất sẵn lòng đợi Thanh Lam hô một tiếng “live show” là tôi về ngay. Nhưng ngày ấy Lam đang mất cân bằng chuyện tình cảm, lại đang say sưa với đối tác âm nhạc mới nên không muốn đầu tư thêm. Tôi tôn trọng chị. Giờ Cầm tay mùa hè lấy điểm tựa từ sản phẩm này. Bài cũ chưa diễn bao giờ coi như là mới rồi.
* Chị có thể phác thảo dăm ba đường nét mà theo chị là thú vị trong live show này?
- Khán giả sẽ nghe lại nhiều bài trong Thanh Lam - Hà Trần. Thanh Lam hát sáu bài mới, có cả bài Lam tự sáng tác. Sân khấu không dàn cảnh, sử dụng hiệu ứng ánh sáng hiện đại. Thanh Lam sẽ hát màu dân gian đương đại, tôi hát nhạc điện tử.
* Theo góc nhìn của chị, Quốc Trung là nhạc sĩ thế nào?
- Anh ấy giống tôi. Nhỏ bé, khôn ngoan và tự tin (cười). Trong lần cộng tác này, tôi nghĩ Quốc Trung sẽ biết khai thác tôi ở đâu, kiềm chế chỗ nào. Anh Trung có một đặc điểm là đã cộng tác với ai thì hết lòng vì người đó.
* Sau khi “cầm tay” với Thanh Lam, chị sẽ “cầm tay” ai và khán giả sẽ mong chờ gì từ chị sau dự án này hay vẫn sẽ “vội vã trở về vội vã ra đi”...?
- Tôi đang “cầm tay” Đỗ Bảo - một đồng nghiệp không mới nhưng rất quan trọng trong sự nghiệp của tôi.
* Nhìn vào dàn ca sĩ kế cận, chị thấy họ mạnh yếu ra sao và ai là người mà chị nghĩ rằng có khả năng làm lớn chuyện?
- Lúc trước tôi có trả lời một cuộc phỏng vấn trực tuyến câu hỏi này. Tôi cũng vô tư bày tỏ quan điểm ngợi ca một số giọng hát. Sau đó vài người trong số họ trực tiếp, gián tiếp nhắn đến tôi là: “Sao chị lại xếp hàng em bên cạnh cậu (cô) ấy?”. Thế là tôi cứ ớ người ra... Bạn thấy không? Cái thói quen so bì của chúng ta thật nguy hiểm. Nó là liều thuốc độc của mặc cảm tự ti và tự tôn. Lần này tôi không dại thế nữa!
* Hình như cả thị trường âm nhạc trong nước và hải ngoại đang rơi vào một cơn khủng hoảng nào đó mà ta chưa thể đặt tên. Là người “bơi” trong cả hai cái bể ấy, chị có thấy điều gì bất ổn hay vẫn rất lạc quan?
- Một thị trường bão hòa cũng là thị trường... thừa sô. Tôi thấy âm nhạc cứ chạy từ khủng hoảng thiếu sang khủng hoảng thừa. Trong trận marathon đó, lâu lâu lộ ra một cái gì đó hay hay nhưng không đủ bền bỉ thành định hướng thẩm mỹ hoặc giá trị mới. Thế giới cũng thế, hơn thập kỷ nay rồi. Trào lưu thẩm mỹ cuối cùng của nhân loại dừng lại ở thập niên 1990, sau đó là toàn hàng công nghiệp. Bản tính tôi có thiên hướng độc lập, ít bị cuốn vào những guồng quay lớn. Tôi vẫn yêu đời.
* Những sản phẩm âm nhạc của chị gần đây cho thấy gần như chị đã bước ra khỏi làn ranh yêu đương, những bản tình ca cũng thưa dần và đang tiến đến một thứ tinh thần rộng lớn hơn thế. Đó là cuộc cách mạng về tư duy hay thuần túy chỉ là sự tình cờ, ngẫu hứng?
- Tôi không phải người duy tình. Hát mãi tình ca tôi thấy... sến. Mượn tình ca làm cớ để nói một điều gì to lớn hơn thì được. Tôi thích những tác giả viết ca từ có chiều sâu như Trần Tiến, Đỗ Bảo, Xinh Xô (viết lời bằng tiếng Anh), là khi ấy hát có sự thách thức. Họ trả giá cho ngôn ngữ. Họ không “tự cấu” cho nó thâm sâu, cũng không đặt vấn đề to tát để dọa ai làm gì. Đấy, nhạc tôi thích hát là thế!
Theo Hà Cao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét