Thứ Tư, 12 tháng 6, 2013

Danh cầm Canada ủng hộ đưa nhạc cổ điển ra phố

Chiều 14/5, dương cầm thủ kỳ tài người Canada Alain Lefèvre có buổi giao lưu với sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. 

Rất nhiều học viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tò mò Alain Lefèvre đã xây dựng sự nghiệp của mình như thế nào. Đáp lại, Alain trả lời ngắn gọn bí quyết của ông là luyện tập chăm chỉ, không bao giờ bỏ cuộc, không đổ lỗi cho hoàn cảnh. Theo Alain, “trung thực, kỷ luật và niềm tin” là ba chiếc chìa khóa vàng dẫn đến thành công. 
Alain Lefèvre
Alain Lefèvre chăm chú quan sát, lắng nghe sinh viên nhạc viện chơi đàn để góp ý, chỉnh sửa khi cần thiết.
Ông cũng thẳng thắn chia sẻ những nỗi khó khăn mà nhạc cổ điển đang phải đối đầu trong xã hội hiện tại. Nếu một ca sĩ nhạc pop, đi hát trong vài năm có thể ra một đĩa đơn bán được vài triệu bản, thì đối với một nghệ sĩ chơi nhạc cổ điển tình hình bi đát hơn nhiều: “Các bạn có thể chơi nhạc trong 25 năm, 30 năm, 35 năm, 9 tiếng đều đặn mỗi ngày và may mắn lắm thì có cơ hội ra được một đĩa đơn, bán được chừng 50 đến 100 bản. Và người mua là những ai: là bố, là mẹ, là ông bà anh chị em của bạn”.
Alain Lefèvre tỏ ra đặc biệt bi quan về thị trường âm nhạc cổ điển ở các nước phương Tây bao nhiêu, lại đặt hy vọng ở các nước phát triển như Việt Nam bấy nhiêu. Ông so sánh nếu khán giả nhạc cổ điển ở phương Tây đang bị già hóa, “cách đây 20 năm trước tóc họ đã muối tiêu, 20 năm sau vẫn là những khán giả ấy, ngày càng già hơn, thậm chí đứng lên vỗ tay còn khó” thì ở Việt Nam, ngày càng có nhiều bạn trẻ hào hứng và quan tâm tới nhạc cổ điển. 
Ông nhận xét, ở Việt Nam, có những gia đình, điều kiện kinh tế khó khăn vẫn dành dụm tiền để cho con cái học nghệ thuật, xem trình diễn nghệ thuật. Trong khi ở đất nước ông, một số bạn bè của ông là bác sĩ, luật sư… chỉ chịu đi xem nhạc cổ điển khi có vé mời miễn phí. Alain Lefèvre than phiền trong lễ khai mạc và bế mạc Olympic London 2012 không có một phút giây nào có sự xuất hiện của nhạc cổ điển và chính ông ở Canada cũng chưa có cơ hội được trình diễn nhạc cổ điển trên truyền hình. Còn khi đến Việt Nam, ông bắt gặp ngay một chương trình về nhạc cổ điển phát trên sóng TV đến mọi nhà.
Alain tiên đoán: “Ở Việt Nam đang diễn ra một cuộc cách mạng về nhạc cổ điển. Và cứ chờ 10 năm nữa mà xem, sẽ có rất nhiều nghệ sĩ dương cầm trẻ tuổi, tài năng xuất hiện”.
Alain Lefèvre
Cô sinh viên nhạc viện được nghệ sĩ Canada chọn làm "trợ lý khuông nhạc" trong buổi biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội tối 15/5. Ông khen ngợi khả năng chơi đàn của cô.
Alain cũng tỏ ra đặc biệt trăn trở về việc đưa âm nhạc cổ điển đến với công chúng nhiều hơn. Ông bất ngờ khi biết Việt Nam đã có sáng kiến đem nhạc cổ điển trình diễn trên đường phố: “Âm nhạc cổ điển dành cho tất cả mọi người và nên được biểu diễn ở mọi nơi. Bất cứ ai tìm cách đưa nhạc cổ điển đến với đường phố đều nhận được sự ủng hộ, tán thành nhiệt liệt của tôi”.
Chính Alain Lefèvre, người được tung hô là “10 ngón tay ma thuật xứ Quebec”, “dương cầm thủ kỳ tài”, “bậc thầy trình diễn”,…cũng từng có quá khứ vất vả, khởi đầu sự nghiệp bằng việc biểu diễn miễn phí ở nhà tù, bệnh viện và trường học.
Những sinh viên nhạc viện cũng có cơ hội được chơi đàn và được Alain Lefèvre trực tiếp nhận xét, góp ý. Nghe sinh viên đàn, Alain Lefèvre tỏ ra đặc biệt thích thú và ấn tượng. Ông khẳng định tất cả những người chơi dương cầm, ở mọi độ tuổi đều có vấn đề nào đó về kỹ thuật. Ông từng đến rất nhiều nước, nhiều trường âm nhạc khác nhau trên thế giới và thường phát hiện ngay những người chơi nhạc cổ điển ở đó đang gặp phải một vài vấn đề lớn. Tuy nhiên, Alain dành tặng lời khen cho Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam: “Khi tôi đến đây và nghe các bạn đàn, tôi không nhận thấy bất cứ vấn đề lớn nào - điều đó có nghĩa là đây là một ngôi trường âm nhạc tốt”.
Trong suốt tiếng rưỡi của buổi giao lưu,  Alain Lefèvre hoàn toàn mê hoặc khán giả bằng một phong thái thoải mái, cởi mở và tự tin. Ông liên tục khoa tay, thậm chí còn đấm bàn, búng ngón tay và bằng giọng nói hùng hồn đã truyền nhiệt huyết cùng niềm say mê nhạc cổ điển tới khán giả. Nguyễn Lương Bình Anh, sinh viên nhạc viện, chia sẻ: “Em rất thích ông. Ông nói chuyện thoải mái, hài hước. Tiếng đàn của ông đầy đặn, mạnh mẽ và hoang dại”.
“Bọn nhóc khoái tôi đó chứ. Tôi nhìn vào mắt bọn chúng và biết điều đó” - Alain Lefèvre nháy mắt và mỉm cười sung sướng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 

Sample text

Sample Text

Sample Text